Hạt cà phê dưới chân núi Ka Đơn

Những hạt cà phê ở sườn đồi, núi đá kém hiệu quả của đồng bào Cil nay được khoác lên mình diện mạo mới, tốt tươi và giá trị hơn trước nhờ đôi tay tâm huyết của chàng trai trẻ Bondong Ha Uck ở xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương).


Ha Uck hướng dẫn người dân nhặt và phân loại cà phê

Giữa vùng sản xuất rau thương phẩm ở xã Ka Đơn, hình ảnh những người mẹ, những đứa trẻ cắm cúi và tỉ mỉ nhặt từng hạt cà phê tiêu chuẩn dưới mái hiên nhà đang từ xa lạ mà trở nên thân thuộc. Và đó cũng là quá trình mà Bondong Ha Uck cho rằng mình đang lội ngược dòng để mang sản phẩm cà phê sạch và chất lượng đến thị trường, thế giới.

Với khuôn mặt và nụ cười đậm chất Tây Nguyên, Uck say mê kể về hành trình đưa hạt cà phê của mình ra thị trường, bắt đầu từ ngày những cây cà phê đầu tiên được ông nội cậu đưa về, trồng trên đất Ka Đơn. Ha Uck bảo rằng, ở thôn Ka Đơn của anh, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể nói và hiểu 3 thứ tiếng là Cil, K’Ho và Chu Ru bởi nguồn gốc người Cil từ chân núi Lang Biang chuyển về Ka Đơn, cùng sinh sống và làm ăn với người Chu Ru, K’Ho từ bao đời nay. Thế rồi chẳng quên nổi tập quán canh tác cũ, họ vẫn chọn vùng núi Ka Đơn với những triền đồi thoai thoải, đất đá cạnh dòng suối nhỏ trồng những cây cà phê, ngót nghét đã gần 30 năm.

Thực tế, diện tích cà phê ở Ka Đơn không nhiều, chỉ vào khoảng 20 ha, năng suất trung bình 2,5 - 3 tấn/ha. Cũng bởi diện tích ít ỏi như thế nên dường như chưa bao giờ cái tên Ka Đơn được nhắc đến trên bản đồ cà phê của Lâm Đồng. Nhưng điều đó không có nghĩa là hạt cà phê ở đây không ngon, không chất lượng. “Khi tham gia khóa học về cà phê, mình đã mang hạt cà phê do chính tay mình sản xuất làm mẫu và thật bất ngờ khi các chuyên gia của SCA - Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới đánh giá chất lượng khá cao”, Uck chia sẻ.

Ngay từ khi sinh ra, Uck đã thấy người dân quê mình vất vả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê. Với chừng ấy diện tích, giá cà phê phụ thuộc hoàn toàn vào những người thương lái đến mua và vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Vậy mà, mãi đến khi tốt nghiệp, đi làm ở TP Hồ Chí Minh, được nghe những người bạn ngoại quốc nói chuyện về cà phê Việt Nam - loại cà phê chất lượng nhưng lại chưa thực sự có tiếng trên thị trường thế giới, Uck mới chợt nhìn lại về cà phê quê mình.

Năm 2018, Uck chính thức bắt tay vào sản xuất cà phê sạch. “Mình muốn mang cà phê sạch, chất lượng ra thị trường và đến tận tay người tiêu dùng. Và quan trọng hơn cả là có thể mở ra một hướng đi mới cho người nông dân có thể chủ động tạo ra giá trị cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, sẽ tạo thêm thu nhập cho người già và trẻ em từ công việc phân loại cà phê. Đó không chỉ là thành công của cá nhân, vượt qua điều đó còn là chia sẻ lợi ích với dân làng”, Ha Uck giải thích động lực của mình.

Những sườn đồi, núi đá ở Ka Đơn có độ cao khoảng 800 - 1.200 m, với khí hậu thuận lợi để trồng cả 2 dòng chính là Arabica và Robusta. Cũng bởi diện tích ít ỏi nên người dân nơi đây chưa tiến hành tái canh hay trồng mới, hạt cà phê giống cũ tuy nhân nhỏ nhưng chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.

Lối canh tác của bà con gần như không sử dụng phân, thuốc trong quá trình chăm sóc, khi thu hoạch lựa từng trái chín nên giá cả cao hơn thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Uck quan niệm rằng chỉ khi nào hiểu, biết về giá trị cà phê, người ta mới quý từng hạt cà phê. Để những bước đi đầu tiên được vững chắc khi vào thế giới cà phê chất lượng, Uck đã dành thời gian đi học chuyên sâu hơn về cà phê và được cấp chứng chỉ của SCA. Cũng nhờ những đánh giá từ phía chuyên gia làm căn cứ mà Uck đã xác định được giá trị hạt cà phê của chính mình. Người ta nói rằng, một ly cà phê ngon đến từ sự chính xác và tỉ mỉ qua những câu chuyện kỳ diệu “from Farm to Cup’’: Một nguồn nguyên liệu chất lượng, những mùa vụ thành công tới quy trình sơ chế tỉ mỉ, đúng kỹ thuật và đặc biệt nhất là quá trình rang cà phê giúp “khơi dậy” những hương vị sẵn có trong hạt. Tất cả các khâu, từ việc trồng và kiểm soát chất lượng hạt cà phê chín cây, quy trình chế biến để tạo ra những hạt cà phê thơm ngon hiện tại mang thương hiệu M’num Coffee, Uck đều đã làm rất tốt. Cái khó khăn nhất mà cậu phải đối mặt đó chính là hoàn thiện thủ tục pháp lý cho sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm, làm thế nào quảng bá sản phẩm để thị trường chấp nhận.

Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đơn cho biết, M’num coffee của Ha Uck là sản phẩm mới, khác biệt của địa phương bởi ở xã thuần nông như Ka Đơn, phần lớn người dân đã và đang sản xuất các loại rau thương phẩm truyền thống. Những cá nhân trẻ như Ha Uck sau khi đi tìm hiểu bên ngoài, năng động quay trở về phát triển ở địa phương. Xã đang tiến hành hướng dẫn Ha Uck hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ chế biến, đóng gói để xây dựng thành sản phẩm OCOP và chuỗi liên kết sản xuất của địa phương.

Hiện tại, ngoài việc cung cấp ra 2 thị trường chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từng gói nhỏ M’num Coffee đã theo chân những người bạn ngoại quốc ra khỏi biên giới và nhận lại những phản hồi tích cực càng làm Uck say mê hơn với con đường phía trước không ít gập ghềnh mà mình đang bước tới.


HỒNG THẮM

Theo http://baolamdong.vn/

Top