Nơi huyền thoại và hiện thực gặp gỡ ở thánh địa Cát Tiên


Về với Cát Tiên
Chúng tôi như lạc vào miền cổ tích. Dòng sông Đồng Nai uốn lượn như dải lụa. Hương sen, hương lúa ngạt ngào bay trong gió. Trong những buôn làng người Mạ, chủ nhân lâu đời của Cát Tiên, dù cuộc sống hiện đại đã hiện diện nhưng trong từng nếp nhà, nét văn hóa xưa vẫn còn lấp lánh trên từng khung dệt, trong họa tiết hoa văn rực rỡ của những tấm thổ cẩm, trong nhịp chiêng ngân trầm bổng, khoan nhặt như tiếng của ngàn xưa vọng về và trong những câu chuyện nhuốm màu hư thực mà người dân ở đây vẫn lưu truyền từ đời này qua đời khác.



Về với Cát Tiên

Sự ra đời các địa danh Cát Tiên, Bàu Sen, Bàu Sấu, Bàu Chim…

Chuyện rằng, thuở xa xưa có một chàng trai người Mạ vào rừng săn thú. Trên đường đi, chàng bắt gặp một thác nước khổng lồ cản đường. Bực tức, chàng giương cung bắn, chàng đâu biết đó chính là Thần Nước. Thần nổi giận đuổi theo, chàng chạy tới đâu, dòng nước cuốn theo tới đó. Đang đuổi bắt, bỗng thấy trước mặt có những nàng tiên xinh đẹp đang tắm gội, đùa vui trên dòng suối. Trên bờ là bãi cát trắng ngần, tinh khiết cùng muôn loài cỏ cây, hoa lá tỏa hương thơm ngát. Mãi ngắm nhìn, Thần Nước quên đi nỗi tức giận, những dòng nước lớn tỏa ra, đọng lại thành từng bàu lớn. Các địa danh: Cát Tiên, Bàu Sen, Bàu Sấu, Bàu Chim… ra đời từ đó.

Những người cao tuổi ở Cát Tiên còn kể cho con cháu của họ nghe một truyền thuyết khác. Rằng vùng đồi Khỉ cạnh dòng Đạ Đờng (nghĩa là nước lớn, tên gọi của người Mạ về sông Đồng Nai) ngày xưa vốn là nơi ở của các thần linh. Mỗi vị thần có một quyền năng đặc biệt. Trong đó, Ka Linh là Nữ thần nghề dệt, K’Diêng là Thần chiến tranh, K’Mun là Thần sấm sét, còn Ka Kông là Nữ thần tình yêu của xứ sở. Trên các gò đồi, các thần đều xây cho mình những cung điện nguy nga, rộng lớn, trước cửa có voi, ngựa, cá sấu canh giữ. Rồi một ngày, một trận sương đá đã biến tất cả cung điện, đền đài, trâu, bò, voi, cá sấu thành tượng đá. Các thần bỏ đi, cây cối mọc lên, thú rừng về ở, vùng đồi Khỉ trở nên hoang vắng, chìm khuất dưới bóng đại ngàn.

Một thánh địa Bà La Môn giáo được kiến tạo khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XI

Lần theo câu chuyện nhuốm màu hư thực, chúng tôi tìm về dốc Khỉ, nơi có Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên – di tích duy nhất đến nay trên vùng đất Tây Nguyên được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Cách đây hơn 30 năm, tại khu vực Đồi Khỉ, lần đầu tiên, người ta phát hiện ra dấu tích của một đô thị tôn giáo cổ bị chôn vùi dưới lòng đất và những cánh rừng. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện dưới lòng đất có vô số đền tháp, mộ tháp, nhà lễ, đài thờ, hệ thống dẫn nước, giếng nước, cùng với đó là hàng nghìn cổ vật như mi cửa, cột đá, sinh thực khí nam và nữ (linga, yoni), tượng, tiền, đồ gia dụng, trang sức, công cụ lao động, vũ khí, tác phẩm nghệ thuật, đồ hiến tế… được làm bằng các chất liệu như đá, đất nung, sắt, đồng, vàng, bạc, đá quý. Trong đó, tiêu biểu là bộ linga-yoni bằng đá sa thạch lớn và đẹp nhất Đông Nam Á, cao 2,1m; bệ yoni hình vuông, mỗi cạnh 2,26m, được mài đẽo hết sức công phu; tiếp theo là linga bằng đồng, hình trụ tròn, cao 52cm, đường kính 25cm, nặng 9kg, bên trong đúc rỗng; riêng chiếc linga bằng thạch anh cao 25cm, nặng 3,45kg, màu trắng đục nhưng khi đưa ra ánh nắng sẽ chuyển sang màu trắng trong tinh khiết là linga bằng chất liệu đá bán quý lớn nhất được tìm thấy tại Việt Nam. Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện hằng trăm mảnh vàng thể hiện những chủ đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và các văn tự cổ. Từ những hiện vật đã tìm thấy, các nhà khoa học bước đầu xác định đây là một thánh địa Bà La Môn giáo được kiến tạo trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XI, phân bố trên một phạm vi rộng khoảng 120km2.


Tháp cổng trong thánh địa Cát Tiên

Bước trên những bậc thềm nhuốm màu thời gian, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào mê cung của các thần linh. Tại những đền tháp, hình ảnh các vị thần được tái hiện dày đặc qua các bức tượng, vật thờ, phù điêu. Từ “Tam vị nhất thể” cao nhất trong tôn giáo Bà La Môn gồm: Barahma-Vishnu-Shiva đến các vị thần khác như Indra, Surya, Laksmi, Uma, Ganesha, vũ nữ và thầy tu; các vật thần như bò thần Nandin, ngỗng Hamsa, voi Airavanta, khỉ Hanuman, trâu, ngựa, lợn, chim, cá; các biểu tượng gắn với thần như hoa sen, đinh ba, bánh xe luân hồi… Tất cả đều phản ánh thế giới tâm linh huyền bí, sống động mà ở đó, yếu tố đa thần, phồn thực là nét chủ đạo, coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của sự sống và sáng tạo. Với quy mô hoành tráng, được xây dựng theo chuẩn tắc nghiêm ngặt, phong cách kiến trúc tao nhã, nghệ thuật chế tác vô cùng tinh xảo. Khu thánh địa là bằng chứng hùng hồn về một nền văn minh rực rỡ đã từng tồn tại bên bờ sông Đồng Nai cách đây nhiều thế kỷ.


Linga – Yoni ở thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên thuộc về quốc gia nào trong lịch sử và chủ nhân thực sự của nó là ai?

Bên cạnh những dấu hiệu đã được giải mã và làm sáng tỏ, nhiều yếu tố của khu thánh địa đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Thánh địa Cát Tiên thuộc về quốc gia nào trong lịch sử và chủ nhân thực sự của nó là ai? Lý do nào khiến nó sụp đổ và chìm vào quên lãng? Hệ thống văn tự cổ mà người xưa đã viết trên những lá vàng có ý nghĩa như thế nào? Những bí ẩn ấy không chỉ thách thức các nhà khoa học mà còn kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng, phán đoán của người ưa khám phá, tìm hiểu. Về với Cát Tiên là về với đôi bờ huyền sử, xứ sở của thần tiên và trần tục giao hòa, nơi vẻ đẹp ngàn năm còn lấp lánh trên những tàn phai, đổ nát.

 

dalat-info

Top