Tản mạn nắng

Sáng nay dậy sớm, tôi đạp xe một vòng quanh hồ Xuân Hương. Phía chân trời, bồng bềnh những áng mây hồng rực rỡ.


Tôi tự tình: Nắng đã lên rồi.


Đà Lạt trong nắng sớm


Quả thật, gần ba tháng nay Đà Lạt trời thật thấp. Những cơn mưa rả rích kéo dài theo nhịp điệu của dự báo thời tiết: Hiện tại, Đà Lạt nhiều mây, mưa vừa đến mưa to. Có nơi có dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất là 23℃ và thấp nhất là 14℃...

Bạn tôi làm việc tại Đài Khí tượng Thủy văn giải thích: Nguyên nhân gây mưa lớn trên vùng đất này do nhiều hình thế thời tiết. Mùa mưa ở đây thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm. Và như thế, xứ sở này thường xuất hiện khoảng từ 10 đến 15 đợt mưa vừa, mưa to kéo dài trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi tổng lượng mưa trên 500mm.

Vẫn biết, mưa là một hiện tượng tự nhiên; nhưng mỗi khi cao nguyên vào mưa là những người trồng lagim tại thành phố này lại lo lắng, đứng ngồi không yên. Ngoài những cơn mưa phùn đi vào tiềm thức làm xao xuyến lòng người; những cơn mưa rào, mưa đá kéo dài thường dẫn đến rủi ro thiên tai từ cấp độ 1 đến cấp độ 2. Và lúc đó, thương người nông dân phải “...Đội sấm, Đội chớp, Đội cả trời mưa...” như Trần Đăng Khoa đã miêu tả trong bài thơ Mưa từ năm lên chín tuổi.

Sắc nắng mùa thu


Còn nhớ đợt mưa lớn điển hình vào tháng 10 năm 2000 trên sông Cam Ly đã xuất hiện lũ kép lịch sử, đỉnh lũ tại trạm Thanh Bình là 833,97m cao hơn báo động (BĐ) 3: 1,96m. Hay đợt mưa lớn gây lũ lịch sử trên sông La Ngà vào tháng 8 năm 2002 với đỉnh lũ tại trạm Đại Nga đạt mức lịch sử là 741,05m, cao hơn BĐ 3 là 2,04m (đạt mức cao nhất trong chuỗi số liệu từ 1980 - 2016). Và năm ấy, theo thống kê đã có 8 người chết, trên 10.500 ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn hộ dân phải di dời, gần 11.500 ha cây trồng bị ngập... với tổng ước thiệt hại gần 136 tỷ đồng.

Ý thức về thiệt hại do mưa lớn gây ra, việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở vùng đất cao nguyên này luôn được chính quyền, người dân quan tâm bằng những hành động thiết thực và cốt lõi. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những cánh rừng bị tàn phá đến khốc liệt; khoáng sản, tài nguyên bị khai thác đến cạn kiệt...

Nắng sớm hồ Xuân Hương


Trong bối cảnh toàn cầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều quốc gia đang hướng tới xây dựng, thiết kế đô thị thông minh để quản lý kinh tế hiệu quả, cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc đi tìm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, đang là mối quan tâm trăn trở của những nhà lãnh đạo, quản lý và nhân dân trên vùng đất cao nguyên xinh đẹp này.

Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2025 đã được phê duyệt với mô hình dựa trên 4 trụ cột chính: quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Theo lộ trình, đến năm 2025 thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam.

Đề án được thực hiện sẽ góp phần quản lý tài nguyên và môi trường thông minh, an toàn; hạn chế sự tàn phá của thiên tai...


Nụ cười tỏa nắng...


Cao nguyên chưa trải qua hết mùa mưa.

Nhưng cao nguyên vẫn từ tốn đón những ngày nắng nhẹ.

Ánh nắng ban mai trải dài trên phố, trên mặt hồ, rừng thông, trên những cánh đồng, vườn hoa khoe sắc.

Sáng nay, những bậc cha mẹ đưa con đến trường không phải chịu cảnh mưa gió dầm dề, tầm tả.

Sáng nay, những chiếc xe hơi không phải vội vàng lao vun vút trong mưa để rồi bắn nước ung tóe vào người đi xe máy.

Sáng nay, tôi thong thả đến đến cơ quan trong nắng sớm. Tiết trời trong xanh, không khí trong lành. Thấp thoáng, những chiếc áo dài tinh khôi, trắng muốt tung bay. Thành phố nhuộm nắng vàng chanh tuyệt đẹp.

Sáng nay, văng vẳng nhà ai vang lên câu hát: “Em ra phố, nắng hồng đón môi em/ Em mỉm cười, anh xin làm hạt nắng...”.

Sáng nay, nắng đã lên rồi.

 

Phạm Vy Phương

Theo baolamdong.vn

Top