Thương mại điện tử ở Lâm Đồng: "Mảnh đất" còn rộng

Thương mại điện tử (TMÐT) thường được hiểu nhanh là kinh doanh trên mạng internet, mạng máy tính, với các giao dịch trên mạng được chấp nhận như hợp đồng điện tử, đơn đặt hàng điện tử, hóa đơn điện tử. Thực tế, TMÐT bao gồm các dạng giao dịch chính như: Doanh nghiệp với Doanh nghiệp; Doanh nghiệp với Khách hàng; Doanh nghiệp với Nhân viên; Doanh nghiệp với Chính phủ: Chính phủ với Doanh nghiệp; Chính phủ với Chính phủ; Chính phủ với Công dân; Khách hàng với Khách hàng; Thương mại đi động… Với sự đa dạng trong các cách giao dịch đó, TMÐT được đánh giá là “mảnh đất” còn rộng và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong xu hướng hội nhập. 


Bán hàng  online của công ty Cầu Đất Farm

Bán hàng online của công ty Cầu Đất Farm Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua, TMĐT đã từng bước khẳng định được vị trí và vai trò không thể thiếu trong hoạt động của các doanh nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.  

Theo kết quả khảo sát, 19% doanh nghiệp toàn tỉnh có website, có 10,7% doanh nghiệp cho biết sẽ xây dựng website trong thời gian tới. Con số này cho thấy việc sử dụng website ở các doanh nghiệp Lâm Đồng chưa nhiều do hầu hết doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ.  

Ba nhóm loại hình doanh nghiệp sở hữu website cao nhất là doanh nghiệp nhà nước (tỷ lệ 75%), công ty có vốn đầu tư nước ngoài (tỷ lệ 62,5%) và công ty cổ phần (tỷ lệ 55,6%).  

Theo lĩnh vực kinh doanh, một số nhóm ngành sử dụng wesite nhiều là sản xuất, phân phối điện (66,7%), kinh doanh du lịch (53,8%), y tế - cứu trợ xã hội (50%), giáo dục - đào tạo (42,9%) và nghệ thuật vui chơi, giải trí (40%). Do đặc trưng, lĩnh vực kinh doanh khách sạn, du lịch, hoạt động xây dựng  đòi hỏi phải cập nhật website hàng ngày nên chiếm tỷ lệ cao nhất.  Đối với các DN việc xây dựng website nhưng chỉ với mục đích quảng bá DN và sản phẩm của mình thì việc cập nhật website không đòi hỏi phải thường xuyên. 

Số lượng đơn đặt hàng trực tuyến nhận được bình quân trong năm 2015 của các doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến là 15 đơn/1 DN; giá trị trung bình 1 đơn đặt hàng là 15 triệu đồng, trong đó cao nhất là loại hình công ty TNHH với giá trị trung bình 1 đơn đặt hàng là 201 triệu đồng; hai nhóm ngành có giá trị bình quân 1 đơn đặt hàng cao là ngành nông, lâm, thủy sản và ngành xây dựng (tương ứng là 180 và 150 triệu đồng). Đối với tỷ lệ website có chức năng đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến lần lượt là 28,1% và  42,1%.  

Bà Trịnh Thị Thanh - Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Giao dịch thương mại điện tử ở Lâm Đồng thường được thực hiện thông qua các hình thức: Bán hàng qua mạng xã hội (29 doanh nghiệp); Sử dụng ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động; Giao dịch qua sàn thương mại điện tử… Nhận đơn đặt hàng qua website và e-mail, cũng là phương thức để nhận đơn đặt hàng mà doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Năm 2015, có 65,1% doanh nghiệp cho biết tổng giá trị đơn hàng đã đặt qua website hoặc e-mail chiếm dưới 20% tổng giá trị mua hàng. Trong năm 2016, có 6,8% doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho quảng cáo website TMĐT. Qua khảo sát cho thấy, doanh nghiệp chi cho quảng cáo website TMĐT chủ yếu ở mức 10 đến 50 triệu đồng, trong đó, hai loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và 7 nhóm ngành: thông tin truyền thông; nông, lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất, phân phối điện; xây dựng; thương nghiệp; vận tải kho bãi và nghệ thuật vui chơi giải trí có 100% doanh nghiệp chi phí quảng cáo ở mức này.  


Tần suất cập nhật thông tin trên website của doanh nghiệp

Tần suất cập nhật thông tin trên website của doanh nghiệp Đối với vấn đề sử dụng dịch vụ trực tuyến công, theo ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng đánh giá: Tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rất được chú trọng, việc xử lý thông tin, dữ liệu và ra quyết định được thực hiện liên thông sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ, thời gian đi lại, thu nhỏ không gian, cho phép các doanh nghiệp sớm tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến của nhà nước, địa phương. Theo kết quả điều tra năm 2016, có 27,3% doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên các website của cơ quan nhà nước, 63,7% doanh nghiệp thỉnh thoảng tra cứu khi cần tìm thông tin và chỉ có 9% doanh nghiệp chưa bao giờ tra cứu website của các cơ quan nhà nước. Trong đó, khai báo thuế điện tử là dịch vụ công trực tuyến được sử dụng nhiều nhất với 91,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã sử dụng, tiếp đến là đăng ký kinh doanh với 14,9% doanh nghiệp sử dụng, công việc khác là 10,9%, khai báo hải quan với 7,9% doanh nghiệp sử dụng.  

Đánh giá về tình hình sử dụng TMĐT tại Lâm Đồng, ông Huỳnh Ngọc Hải- Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng phân tích: Thời gian qua, thương mại điện tử đã có những bước phát triển đáng kể, bởi những lợi ích mà chúng mang lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên bình diện chung, người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn chưa thấy hết hiệu quả mà thương mại điện tử đem lại nên vẫn còn thiếu sự quan tâm, sự đầu tư để loại hình kinh doanh này phát huy tối đa thế mạnh của mình. Đây là một mảnh đất còn “rộng” mà các doanh nghiệp cần nhìn thấy để khai khác, bởi cơ hội mà TMĐT mang đến cho doanh nghiệp là rất lớn lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian. 

Thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế, trong khi cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, những hàng mẫu này có thể mất hàng tháng mới có thể đến được các thị trường này, dẫn đến chi phí cao và sản phẩm có thể giảm chất lượng. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại, và Lâm Đồng trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó.

 

DIỄM THƯƠNG - baolamdong.vn

Top