Chốn rẫy vườn vẫn cứ sống phong lưu

Cái nghèo và lam lũ thường làm dân cày  nước tôi bỏ qua sự sang trọng, văn minh, cao hơn nữa là sự xa hoa, mà chỉ lao vào sự tồn tại qua ngày hơn là thụ hưởng tối đa một lần có mặt trên mặt đất mà ta hay gọi là “cuộc đời”.

Ai chẳng biết, con người, nhất là ở  đô thị, luôn có một nỗi nhớ sâu thẳm về rừng, cơn thèm khát tự nhiên, nên phải tạo vườn cảnh, không gian giả sơn, giả hồ tự nhiên mà. Nông dân có trong tay rẫy vườn, mà rẫy vườn với sinh thái nhiều tầng của thảo mộc, thế đất, hình đồi, ao hồ… kia là gì nếu không phải chất liệu của kiến trúc, không gian cho kiến trúc. Một căn nhà mọc lên trên sự trơ trọi sẽ làm sao bì được với một căn nhà đắm trong thảo mộc thân thuộc và hình thể đất đai sinh động. Thế rồi một ngày, qua vùng B’Lao, tự dưng bước vào được một căn nhà của một nông dân xa lạ. Kẻ xa lạ với nhau, nhưng tâm hồn nông dân mà, có bao giờ câu nệ quen - lạ, thế là họ thả tôi vô tư dạo chơi trong rẫy vườn, và cũng là không gian sống của họ hàng ngày. 

Nơi họ ở cũng là vườn rẫy của mình, kể từ ngày bác nông phu làm lưu dân từ Bình Định lên cao nguyên B’lao. Trà, cà phê, sầu riêng, nhãn, hay  những thứ cây rừng giữ lại kia trở thành “cảnh quan” cho căn nhà, bên cạnh cái việc cao cả là chủ nhà hái đọt, thu trái từ nó để sống. Những luống trà, hàng cà phê trồng tích hợp đạt được cả hai chức năng là “cần câu cơm” và cảnh quan của nhà. Không chỉ cây nông sản/thảo mộc, mà đến từng lối đi cũng  thanh thoát, ý tứ, chăm chút thẩm mỹ. Chỗ nào đất trống, thì trồng chen hoa vào. Góc vườn nào trà nhiều quá, trồng vào cụm dăm bảy cây thông. Cây thông làm thanh sạch rẫy trà, và gia vị vào một chút “rừng”.  Những gò đất cho loài dương xỉ thân mộc, cây lá buông, cây chuối dại sống. Giữa vườn trà, bỗng dưng dựng lên vài trụ lớn cho phong lan bò… Một mái hiên nhà, dành hẳn để làm chỗ treo tranh. Phía ngoài của mái hiên đó vài mét, có một cái bàn để nông dân ngồi uống cà phê sáng, nói chuyên mùa vụ, hoặc đọc sách… Tất cả tươm tất và luôn tràn đầy sinh khí. Vừa tưới trà, cà phê, tưới luôn cho hoa cảnh. Bác nông dân nói ông tạo không gian sống cho mình qua từng nấc, từng năm, từng mùa, từng kỳ túi tiền tích góp có được sự thong thả. Cứ  thế suốt gần bốn chục năm qua. Không thể cân tính được bác đã đổ vào  đây bao nhiêu tiền, từ những đọt trà, ký heo hơi, con gà bán được… Với căn nhà, nó quá tốn, không cần to, “biệt thự” mà như không phải biệt thự; không phải Pháp, chẳng phải Mỹ, Nga, mà cũng không hề Việt. Nó là chính nó, cốt cách tự tin riêng, về thẩm mỹ cũng như độ ấm cúng của “tổ nhà”. Cứ thế nó nép mình vào thảo mộc, thiên nhiên. Bác nông dân bảo đây là căn nhà “mộc”, từ hình dáng kiến trúc đến phong thủy, ánh sáng, bác học từ sự thuận hòa, theo “ý” trời đất, nhưng tôi nghĩ nó là sự tinh tế của kẻ sống với thiên nhiên thật. Đúng là một nông dân “chịu chơi”!

Nhìn ra đường. Ánh nắng rải vàng trên lối đi như một đường kẻ giữa không gian xanh

Tôi không có cảm giác mình đang đi trong một rẫy vườn của dân cày, mà hẳn đúng nó là công viên “ẩn mình”. Và xa xỉ hơn,  cứ như đích thị nó là không gian của các Dinh ngày xưa vị Hoàng Đế cuối cùng Bảo Đại đã sống trên  xứ Hoàng Triều Cương Thổ hôm nào mà Bảo Lộc là một phần của “vương thổ” đó. Chủ nhà, nông dân Bùi Văn Sáu bảo rằng ông phải hưởng thụ cuộc sống ngay cuộc đời nông dân của ông, chứ không cần phải thành thị dân hay doanh nhân, trí thức, hay đợi giàu có lên gì cả. Thẩm mỹ cho không gian này ông thuận theo hiểu biết về qui luật đất đai, cây cối trong đất trời, thêm tí năng khiếu tự nghiền nghĩ, cộng với chút tiếp sức từ cậu con trai vốn là họa sĩ trình bày bìa sách cho một nhà xuất bản ở thành phố khác dưới xuôi năm thì mười họa tạt về quê. Rẫy vườn và căn nhà nông phu ấy nhà có số, đường có tên (cho dù xẹt quá trời (133/10/1/5)!). Không gian này nằm tách xa trung tâm thành phố Bảo Lộc, dù thuộc phường B’lao (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), dưới thung lũng Nam Phương, “cứ địa” chứa sương ở cao nguyên Bảo Lộc, nghĩa rằng hàng ngày nó ngước ngay lên nhìn đỉnh núi Đại Bình thân thương nhất xứ sở.

Cho đến khi lang thang gặp căn nhà của bác nông dân B’lao này thì tôi qui phục hoàn toàn, không còn dám nghĩ nông dân là “chém to kho mặn” trong ăn, ở. Lòng thầm ước, giá mà nông dân nào  trên cao nguyên này ai cũng sống an lạc, tinh tế và dồi dào hiểu biết lẫn tâm hồn như vậy trong nghiệp cần lao của mình, để vượt qua được sự chìm nổi khốn khó thường trực bởi giá cả của đọt trà, hạt cà phê, cọng rau, cây lúa, con heo, con bò…

Bên hông ngôi nhà của nông phu

Từ một ô cửa nhìn ra với tràn đầy sắc màu thảo mộc

Khách ở ngoài thành phố Bảo Lộc tình cờ có mặt trong vườn rẫy của bác nông dân Bùi Văn Sáu để tham quan. Với nhiều người thường như vậy

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Theo:baolamdong.vn 

Top