Đà Lạt: Hướng đến vùng sản xuất rau số 1 Đông Nam Á

Phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành với 4 mục tiêu cơ bản: xây dựng Đà Lạt là thương hiệu số 1 của Việt Nam; trở thành Trung tâm sản xuất rau số 1 của Đông Nam Á; là điểm đến du lịch nông nghiệp số 1 của Việt Nam; là Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển về nông nghiệp số 1 của Tây Nguyên. Đó là những mục tiêu trước mắt và lâu dài đòi hỏi sự “bứt phá” trong phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố Đà Lạt được Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp phát biểu quyết tâm trước kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa XI vừa qua. 

Trồng rau, hoa Đà Lạt theo hướng công nghệ cao

Với kết quả rất đáng ghi nhận về trồng trọt của Đà Lạt đó là giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 1.396 tỷ đồng (tăng 14% so cùng kỳ). Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đạt trên 220 triệu/ha. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với diện tích 4.800 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có (tăng 70ha so với cuối năm 2015), chiếm 45,7% trên tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Đây là cơ sở để Đà Lạt hoàn toàn có thể phát triển lên một tầm vóc mới, trở thành vùng sản xuất rau hoa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.

 Theo số liệu Phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết, diện tích rau hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao là 4.322 ha, trong đó rau, dâu tây, atiso là 2.814 ha, diện tích hoa là 1.508 ha. Diện tích sản xuất rau theo quy trình VietGAP, GlobaGAP khoảng 700 ha. Đà Lạt hiện có 48 cơ sở nuôi cấy mô, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 25 triệu cây giống, giảm đáng kể chi phí nhập khẩu giống cây trồng cho người nông dân Đà Lạt. 

 Để tập trung nâng cao chất lượng năng suất cây trồng, Trung tâm Nông nghiệp và Phòng Kinh tế Đà Lạt cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, nâng cao trình độ kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con nông dân. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có gần 600 lượt người tham dự 12 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, 40 cuộc hội thảo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất thu hút hàng ngàn lượt người tham dự, đồng thời cung cấp hàng ngàn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, hoa, cách sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, cách phòng chống sâu bệnh… mang lại nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho nông dân Đà Lạt.

 Tiếp tục triển khai Dự án “Quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt” là một trong nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp được chú trọng nhiều năm qua. Đến nay, tổng số cơ sở được cấp nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt là 32 cơ sở, nhãn hiệu Hoa Đà Lạt là 108 cơ sở, góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản, tạo uy tín cho thương hiệu rau hoa Đà Lạt và được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Trong thời gian tới, việc xây dựng phát triển nhãn hiệu Cà phê Cầu Đất, Dâu tây Đà Lạt, Hồng ăn trái Đà Lạt… được cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh. Đây là những đặc sản của Đà Lạt nức tiếng gần xa suốt mấy chục năm qua, tuy nhiên việc chính thức xây dựng và chứng nhận nhãn hiệu lại chưa được quan tâm. Việc hoàn thành xây dựng quy trình cấp chứng nhận nhãn hiệu nông sản Đà Lạt sẵn có nói trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp Đà Lạt với mục tiêu trở thành điểm đến về du lịch nông nghiệp số 1 của Việt Nam là điều có thể.

 Để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND thành phố Đà Lạt đề ra, Chủ tịch UBND thành phố Võ Ngọc Hiệp chỉ đạo: Các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị phường, xã, Trung tâm nông nghiệp, cơ sở, doanh nghiệp cần tập trung triển khai có hiệu quả dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và cơ quan JICA Nhật Bản. Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch và sản xuất công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo quản nông sản và bảo vệ môi trường. Sớm triển khai kế hoạch đầu tư Trung tâm giao dịch hoa. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp và hình ảnh các làng hoa gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với dịch vụ du lịch tại địa phương… mục tiêu hướng đến để Đà Lạt xứng tầm “là một trong 22 thành phố đáng nhớ nhất  năm 2016 và là một trong 10 thành phố đáng khám phá nhất của châu Á” như tờ NewYork Times đã bình chọn.

Theo http://baolamdong.vn/

Top